Saturday, November 19, 2011

'Chồng chăm vợ đẻ một tháng là quá dài với doanh nghiệp'


Nhiều chủ doanh nghiệp đồng tình với đề xuất nhân văn là cho chồng nghỉ ở nhà khi vợ đẻ. Tuy nhiên, đa phần đều cho rằng một tháng là quá dài và gây khó khăn cho hoạt động của công ty.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long (Hà Nội), nơi có 70% nhân viên là nữ, chia sẻ: "Cá nhân tôi ủng hộ đề xuất này. Việc này vừa khuyến khích được người lao động lại không ảnh hưởng đến công việc chung, tạo điều kiện chăm sóc cho bà mẹ, trẻ em tốt hơn. Thực tế, ở một số nước tiên tiến như Canada họ cũng cho người chồng được nghỉ ở nhà 3 tuần khi vợ sinh".

Theo ông, việc chồng được nghỉ mang lại nhiều cái lợi. Thời gian đầu sau sinh là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với vợ và con, rất cần có sự hỗ trợ của người thân. Thực tế tại Việt Nam thường là ông bà, người thân nghỉ làm để chăm sóc hoặc là thuê ôsin. Như vậy, tổng quan về mặt xã hội thì cũng là mất đi một người lao động. Trong khi đó, việc chồng được ở cạnh vợ, con còn giúp thắt chặt tình cảm gia đình.
Tuy nhiên, dù ủng hộ đề xuất này ông Dũng cũng cho rằng nên nghỉ trong khoảng một tuần thì hợp lý và tính khả thi sẽ cao hơn. Tuần đầu mới sinh, người mẹ còn yếu nhưng sau đó thì có thể tự chăm cho mình và con. Thời gian nghỉ đến một tháng thì hơi dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
"Nếu nghỉ một tuần thì có thể bố trí anh em trong phòng hỗ trợ, chứ nghỉ một tháng thì sẽ phải tuyển thêm người, doanh nghiệp không thích vì bằng đấy thời gian chỉ đủ để người mới quen việc", ông Dũng nói.
Các chủ doanh nghiệp có nhiều nam nhân viên cho rằng việc cho chồng nghỉ chăm vợ đẻ 1 tháng là "quá dài", ảnh hưởng đến sản xuất. Ảnh: Hoàng Hà.
Đồng tính với quan điểm trên, chị Vũ Bích Hường, phụ trách phòng vé máy bay tại Gia Lâm, Hà Nội cho biết: "Đây là đề xuất hết sức nhân văn, về mặt cá nhân tôi ủng hộ. Bản thân mình cũng đã là mẹ nên hiểu được những khó khăn của chị em khi mới sinh. Tâm sinh lý của phụ nữ sau đẻ rất nhạy cảm, nên cần được sự quan tâm, đỡ đần của chồng. Nhưng một tháng thì quá dài".
Lý giải điều này, chị cho biết, nếu cho cánh mày râu nghỉ việc một tháng là công ty thiếu người làm. Tất yếu phải tuyển thêm người mới và như thế thì vị trí của người kia chưa chắc đã còn. Thời gian nghỉ hợp lý chỉ nên là 10 ngày đến nửa tháng.
Còn theo giám đốc một doanh nghiệp tư nhân chuyên về trang thiết bị y tế trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội - có đến 70% nhân viên là nam - thì vợ đẻ mà chồng được nghỉ là rất hợp lý, tuy nhiên hơi hoang phí. Anh cũng đã có gia đình và vợ đang mang bầu 5 tháng.
"Bản thân mình nếu có cho nghỉ mình cũng không nghỉ được, trừ khi vợ ốm nặng hay có việc gì quan trọng, chứ vợ đẻ mà đã nghỉ thì chưa cần thiết. Hơn nữa, cho chồng nghỉ 1 tháng, tại sao không phải cho nghỉ luôn 4 tháng? Vì nói thật 4-5 tháng đầu vẫn là giai đoạn khó khăn với cả mẹ và con", vị giám đốc này cho biết.
Ngoài ra, theo anh, các doanh nghiệp tư nhân thường khai thác tối đa hiệu quả của người lao động. Vì thế, có những người nghỉ nhưng không ai làm thay được. Nếu cho nghỉ một tháng thì đơn vị phải tuyển người, việc tìm người thay thế làm được là rất khó.
"Vợ sinh em bé, mình có thể chăm bằng cách khác chứ không nhất thiết là phải ở nhà thay tã, giặt tã, nấu cơm... Cái quan trọng là mình thể hiện sự quan tâm đến vợ. Mỗi gia đình có thể tự tìm cách khắc phục, nhờ ông bà, họ hàng hai bên hoặc thuê ôsin", anh nói.
Đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, có những cặp vợ chồng cùng làm trong một công ty thì nếu áp dụng việc nghỉ sản đồng thời cho cả vợ và chồng khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thành Tài, giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu gỗ tại Đồng Nai cho biết, do tính chất công việc ở đây đòi hỏi sự khéo léo, cần cù nên hiện công ty đã tuyển hơn 1.000 công nhân, với hơn 70% nữ. Trong đó, có nhiều cặp vợ chồng cùng làm ở công ty, thậm chí chung dây chuyền. Trung bình mỗi năm có không dưới 25 phụ nữ xin nghỉ đẻ.
"Những năm qua công ty luôn áp dụng chế độ nghỉ sản 4 tháng đối với nữ công nhân song khó khăn nhất vẫn là tìm kiếm người thay thế vị trí của người ấy trong dây chuyền sản xuất, nên nếu tiếp tục cho chồng nghỉ chăm con, doanh nghiệp càng khó sắp xếp hơn". ông Tài nói..
“Dây chuyền sản xuất thì vẫn hoạt động nên chúng tôi rất khó khăn tìm người thay thế hoặc yêu cầu công nhân khác tăng ca để đảm bảo tiến độ. Thực sự thời gian qua việc sắp xếp này đã gặp nhiều bất cập vì không phải công nhân nào cũng đồng ý tăng ca thế chỗ”, ông Tài chia sẻ.
Một khảo sát trên VnExpress.net năm 2006 cho thấy, có đến hơn 90% độc giả đồng ý với việc "đàn ông nên được nghỉ làm khi vợ đẻ". Trong số gần 2.700 người tham gia khảo sát, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ khoảng 7% cho là không nên.
Luật bình đằng giới của nước ta cũng đã có quy định "khi vợ sinh con hoặc hai vợ chồng nhận trẻ sơ sinh làm con nuôi thì chồng cũng phải được nghỉ". Hiện nay trên thế giới có một số nước áp dụng chính sách cho chồng được nghỉ khi vợ sinh như Hàn Quốc, Thụy Điển, Anh... Tuy nhiên, đây đều là những nước có nền kinh tế phát triển, hệ thống an sinh, phúc lợi xã hội tốt.
Chẳng hạn, theo Luật pháp Hàn Quốc, tất cả người lao động có con dưới 3 tuổi đều được nghỉ một năm để chăm sóc trẻ và nhận mức trợ cấp là 1 triệu won (tương đương 919 USD) hằng tháng. Thế nhưng, thực tế rất ít nam giới nước này chấp nhận ở nhà để nhận trợ cấp.
Hơn nữa chính sách này được đưa ra nhằm khuyến khích sinh đẻ. Trong khi đó Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, có mức thu nhập thấp, dân số đông. Ngành dân số đã phải nỗ lực rất lớn trong thời gian qua để hạn chế được mức sinh. Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã đặt ra mục tiêu phấn đấu mức tăng số chỉ khoảng 1%.
Phương Trang 

0 comments:

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes