Monday, February 13, 2012

Sharapova: Vì cái đầu, cái vai, đôi chân hay là tất cả


Việc ngày hôm trước vừa thắng đầy thuyết phục tay vợt được coi là tài năng nhất của tennis đương đại, nhưng ngày hôm sau lại thua toàn diện trước đối thủ hầu như không hơn cô điểm gì là một vấn đề với Sharapova.










* Hai bộ mặt khác nhau trong một con người
Khi Sharapova thua 3-6 0-6 trước Azarenka, đó là lần thứ hai cô thất bại trong một trận chung kết Grand Slam kể từ Wimbledon 2011. Nhìn ở khía cạnh tích cực: Sharapova đã lọt vào tới hai trận chung kết Grand Slam chỉ trong vòng bảy tháng, và nếu kể cả kết quả vào tới bán kết Roland Garros 2011, tay vợt người Nga là người ổn định nhất của WTA gần đây.
Cô cũng luôn có mặt trong top 5 trong suốt gần năm qua sau khi xuất phát từ vị trí 18 kể từ tháng 4 năm 2011, và vừa từ vị trí thứ ba lên thứ hai trong tuần thứ hai của tháng 2/2012 sau khi vượt qua Kvitova và chỉ đứng sau Azarenka với khoảng cách chừng 1000 điểm. Nhưng đó là một sự ổn định gây tranh cãi, hay chi tiết hơn, cô chỉ ổn định từ giải này qua giải khác, chứ không ổn định trong những trận đấu quyết định.
Sharapova: Vì cái đầu, cái vai, đôi chân hay là tất cả, Thể thao, sharapova, tennis, quan vot nu, australian open 2012
Sharapova có thể chơi rất hay, nhưng lại có thể rất tệ ngay trận sau đấy
Ở Wimbledon, cô tàn sát Cibulkova 6-1 6-1, rồi đè bẹp Lisicki lúc đó vẫn là một hiện tượng với cú giao bóng uy lực và lối đánh cuối sân táo bạo với tỉ số 6-4 6-3. Nhưng Sharapova lại thay đổi hoàn toàn, như là một con người khác khi bước vào trận chung kết với Kvitova: giao bóng kém (6 lỗi kép), phải đối mặt với 9 điểm break point.
Ở Australian Open mới đây, cô đã khuất phục Kvitova sau ba set ở bán kết bằng thứ tennis không phải hoàn hảo, nhưng khá đẳng cấp khi nhập cuộc tốt hơn (set một) biết quên đi những sai sót trong set hai, rồi tận dụng cơ hội, thắng ở những điểm quan trọng và dập vùi đối thủ khi Kvitova có biểu hiện tâm lý (set ba). Rồi ở chung kết, lại là một Sharapova khác hẳn: tự đánh hỏng rất nhiều trước Azarenka.
Đáng lẽ ra, câu chuyện phải có một kịch bản ngược lại, khi khoảng cách về trình độ giữa các tay vợt là không đáng kể (nhất là ở chung kết Australian Open), thì người trải nghiệm nhiều hơn, giàu thành tích hơn phải là người thể hiện được và tận dụng sức mạnh tâm lý. Đằng này, ngay trong lần đầu có mặt ở chung kết Grand Slam, cả Kvitova và Azarenka đều vượt trội về mặt tâm lý so với Sharapova, người đã ba lần vô địch Grand Slam, đã từng lên ngôi số 1 TG cách nay nửa thập kỷ.
* Từng là một biểu tượng của sức mạnh tâm lý
Dường như đó không phải là Sharapova trong quá khứ, một cô gái rất trẻ, đẹp và đầy tài năng, được thế giới hân hoan đón chào như một làn gió mới để tiếp nối Kim Cljisters, Justin Henin luôn bị chấn thương hành hạ, và để đánh đổ sự thống trị của chị em nhà Williams.
Trong cuốn tự truyện có tên "A Champion's Mind" được chắp bút bởi Peter Bodo (cây viết tennis lâu năm), Sampras đã viết về Sharapova ngay trong chương đầu về một lần anh tình cờ gặp trên sân tập ở California: "Tôi chẳng nhớ gì về cô gái ấy cả sau khi Robert Lansdrop bảo tôi hãy cầm vợt dợt bóng cùng với một cô bé mới mười hai tuổi. Nhưng sau này, tôi đã thấy cô bé ấy trên tivi, một nhà vô địch thực sự, đó chính là Sharapova".   
Sharapova: Vì cái đầu, cái vai, đôi chân hay là tất cả, Thể thao, sharapova, tennis, quan vot nu, australian open 2012
Á quân tại Australian Open 2012 có thể coi là thất bại với Sharapova
Sharapova cùng cha rời nước Nga từ khi cô còn là một tấm bé để đến với Mỹ - miền đất hứa của tennis. Nick Bollettieri không phải là người duy nhất phát hiện ra tài năng và nhào nặn Sharapova. Robert Lansdrop, một HLV lừng danh, người đã từng huấn luyện những huyền thoại như Sampras, Tracy Austin, Davenport... cũng đã dẫn dắt Sharapova trong một thời gian dài.
Và dù cho không thiếu lời dè bỉu (có thể là đố kị) rằng cô là một thứ "hàng Mỹ nhái" (fake American), thì sự thật là Sharapova đã hấp thụ được những tinh hoa của tennis Mỹ: đó là "bất cứ người Mỹ nào muốn vô địch cũng phải giao bóng tốt, có nền tảng thể lực tốt, cố gắng chủ động tấn công và mặt sân nhanh mới là sân đấu sở trường".
Khi Sharapova đánh bại Serena trong trận chung kết Wimbledon 2004 trong đó có bước ngoặt bỏ lỡ 3 break point đầu tiên rồi sau đó lại chiến thắng ở tỉ số 4-4 trong set hai, người ta đã ví cô như là một Seles mới (nếu không tính tới cú thuận đánh hai tay của Seles), hay Maureen "Little Mo" Connolly của những năm 50, tay vợt nữ đầu tiên giành được 4 Grand Slam trong cùng một năm. Cả hai hình tượng ấy đều là những tay vợt điển hình về sức mạnh tâm lý. Tờ báo Independent của Anh khi đó đã đăng dòng tít lớn: Chiến thắng với sự phô diễn của sức mạnh tâm lý, để nói về cách Sharapova vượt qua Serena.
Tức là Sharapova hiện tại có nhiều vấn đề hơn so với chính cô trong quá khứ, ở độ tuổi 17-18.
* Quá "già" cho lối đánh tuổi teen
Chúng tôi đã từng đề cập tới vấn đề giao bóng của Sharapova, rằng nó như một thảm họa xuất phát từ chấn thương vai xảy ra đối với cô cách nay hơn 4 năm, cùng một vài vấn đề về kỹ thuật (tung bóng quá cao).
Sharapova: Vì cái đầu, cái vai, đôi chân hay là tất cả, Thể thao, sharapova, tennis, quan vot nu, australian open 2012
Thời oanh liệt nay còn đâu
Nó đã được cải thiện ít nhiều ở Australian Open 2012, trong trận chung kết chỉ mắc 3 lỗi kép, nhưng vẫn là một nỗi ám ảnh bởi tỉ lệ giao bóng một thành công chỉ là 66% (30/47) và tỉ lệ ăn điểm khi giao bóng hai chỉ là 18% (3/17).
Nhưng đã tới lúc gạt sang một bên lý do hệ lụy của chấn thương vai. Lối đánh của Sharapova còn là một nguyên nhân khác. 30 lỗi tự đánh hỏng trong một trận đấu chỉ có 15 game như chung kết Australian Open có lẽ là một kỷ lục.
Hãy tưởng tượng, mỗi game đấu, trung bình Sharapova tự đánh hỏng hai điểm, Azarenka tự ghi một điểm winner (cả trận có 14 winner), tức là tay vợt người Nga luôn ở bên bờ vực thua game dù cầm bóng hay sẽ trả giao bóng. Thậm chí, ở game thứ tư của set một trận chung kết, Sharapova bị bẻ giao bóng khi mắc tới 4 lỗi tự đánh hỏng liên tiếp.
Lối đánh quyết liệt, luôn cố gắng tấn công trong từng cú quả của cô đòi hỏi một nền tảng thể lực sung mãn, mà đôi khi chỉ cần chậm một chút, thiếu nửa bước chân trong những pha bóng phải di chuyển theo chiều rộng khắp mặt sân cũng sẽ không thể tạo nên cú đánh chính xác. Đặc biệt là với Sharapova từ lâu đã chỉ chơi bóng bạt để tận dụng chiều cao 1,88 của mình nhằm tạo ra các cú bóng bạt, nặng và nhanh thì độ rủi ro càng cao. Gần 2/3 số lỗi tự hỏng của Sharapova là bóng đi dài (qua vạch cuối sân) chính là hệ quả của cách xử lý này.
Lối đánh ấy chỉ hợp với một Sharapova trong quá khứ, và Sharapova 25 tuổi ngày nay cần lối chơi thông minh và chắc chắn hơn, giàu tư duy hơn thay vì bản năng như khẩu hiệu mà cô cùng với hãng vợt Head quảng cáo: "My game is instinct" - Cuộc chơi của tôi là bản năng.
Mới đây huyền thoại Navratilova đã nói rằng Sharapova khó lòng cạnh tranh với Kvitova và Azarenka, bởi sự thua sút về thể lực. Thực tế, thể lực cũng là vấn đề của Azarenka, người từng phải bỏ cuộc tới 7 lần trong năm 2010, và tennis nữ không có ai là hoàn hảo.
Nhưng cũng có thể Sharapova sẽ không thể đăng quang ở Grand Slam thêm một lần nữa nếu như cô không áp dụng được cú kick serve cho những lần giao bóng hai của mình, không kiểm soát bóng tốt hơn bằng độ xoáy, và đặc biệt là phải lạnh lùng và bản lĩnh hay nói cách khác là ổn định hơn trong những trận đấu quyết định.
PHẠM TẤN

0 comments:

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes